Asia-Pacific Amateur Championship: Cú hích cho sự phát triển của nền golf Châu Á – Thái Bình Dương

03-10-2024 - 08:21 | Quốc Tế
Asia-Pacific Amateur Championship (AAC) hay còn được biết đến với cái tên Giải Golf Vô địch Nghiệp dư Châu Á - Thái Bình Dương, là giải đấu thường niên dành cho các golfer nghiệp dư. Qua 14 lần tổ chức, giải đấu đã sản sinh ra những nhà vô địch major, qua đó truyền cảm hứng cho các lứa golfer trẻ.

Với mục tiêu phát triển bộ môn golf ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, The R&A và The Masters Tourathon đã hợp tác với Liên đoàn Golf Châu Á – Thái Bình Dương để cho ra đời giải đấu AAC vào năm 2009. Trải qua 14 năm, có thể nói rằng mục tiêu đó đã được thực hiện vượt xa ngoài kỳ vọng.

Trong tuần này, AAC sẽ tiếp tục khởi tranh mùa giải thứ 15 trên sân Taiheiyo Club Gotemba ở Nhật Bản. Từ những điều đã đạt được ở những mùa giải trước đó, giải đấu đã truyền cảm hứng cho các golfer trẻ và góp phần phát triển hơn nữa các giải đấu nghiệp dư trên quốc tế, qua đó dần thay đổi bộ mặt của môn golf.

Taiheiyo Club Gotemba là nơi đăng cai ACC 2024

Nhà vô địch của ACC sẽ giành được một suất tham dự 2 giải major danh giá trên thế giới là The Open và The Masters, thêm vào đó là đặc quyền góp mặt tại giải golf nghiệp dư The Amateur Championship. Ngoài ra, golfer cán đích ở vị trí Á quân cũng sẽ được tham dự vòng loại của The Open.

Những đặc quyền này hoàn toàn có thể thay đổi cuộc đời của bất kỳ golfer nào nếu giành được kết quả tốt tại giải đấu. Điều này không chỉ giúp nâng cao tiêu chuẩn của môn golf trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, mà ở cấp cơ sở cũng có sự đầu tư mạnh mẽ khi các quốc gia đang tìm cách để phát triển bộ môn thể thao này.

Theo một báo cáo của The R&A được công bố vào tháng 8 năm ngoái, dữ liệu cho thấy số lượng người chơi golf trên các sân 9 hố và 18 hố tại khu vực Châu Á đã tăng 2,5 triệu người từ năm 2012 đến năm 2022. Trong khi đó, tại Châu Đại Dương con số này cũng tăng từ 1,65 triệu người lên thành 2,8 triệu người trong cùng kỳ. ACC chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho mọi người trong các khu vực này đến với golf.

Mùa giải ACC đầu tiên diễn ra vào năm 2009 tại Mission Hills Golf Club (Trung Quốc) đã chứng kiến chiến thắng thuộc về golfer 17 tuổi người Hàn Quốc Changwon Han.

Hideki Matsuyama từng vô địch ACC vào các năm 2010 và 2011

Chỉ một năm sau, cơ sở hạ tầng và trình độ tổ chức giải đấu đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Giải đấu năm đó được tổ chức tại Kasumigaseki Golf Club (địa điểm đăng cai Olympic Golf 2020), nằm ngay ngoại ô của Tokyo. Chức vô địch mùa giải thứ 2 đã thuộc về golfer chủ nhà Hideki Matsuyama, và tính đến thời điểm hiện tại cũng chính anh là golfer Nhật Bản đầu tiên giành được một danh hiệu major của nam.

Chiến thắng của Matsuyama tại The Masters 2021 là bằng chứng không thể rõ nét hơn về tác động của ACC với thể thao thế giới. Ngoài chức vô địch vào năm 2010, Matsuyama cũng đã lên ngôi tại ACC năm 2011, đồng thời có một sự nghiệp thi đấu vô cùng ấn tượng.

ACC là bệ phóng cho nhiều golfer hàng đầu trên thế giới thời điểm hiện tại

Bên cạnh đó, nhà vô địch The Open 2022 – Cameron Smith cũng đã từng tham gia thi đấu tại ACC. Điều này đồng nghĩa với việc, 2 giải major danh giá là The Masters và The Open đều sở hữu những nhà vô địch đã từng thi đấu tại ACC. Ngoài Hideki Matsuyama và Cameron Smith, ACC cũng là bệ phóng cho nhiều gương mặt hàng đầu trên thế giới thời điểm hiện tại, có thể kể đến như Si Woo Kim, Ryan Fox, Min Woo Lee,…

Giải đấu ACC năm nay sẽ có sự góp mặt của 120 golfer đến từ 40 quốc gia. Trong đó có những tên nổi bật như hạng 4 nghiệp dư thế giới Wenyi Ding – Á quân ACC năm ngoái, hạng 35 thế giới Xihuan Chang và hạng 79 thế giới Justin Bai, hay đặc biệt là sự trở lại của nhà vô địch năm ngoái Jasper Stubbs.

Trong đó, Việt Nam cũng vinh dự có sự góp mặt của 2 golfer trẻ có thứ hạng cao trên Bảng xếp hạng Nghiệp dư Thế giới là Nguyễn Anh Minh (hạng 87) và Nguyễn Đức Sơn (hạng 464). Nếu như không gặp trục trặc về vấn đề visa, Lê Khánh Hưng cũng sẽ là đại diện thứ 3 của Việt Nam tham dự giải.

Nguyễn Anh Minh (trái) và Nguyễn Đức Sơn (phải) là 2 đại diện Việt Nam tham dự ACC 2024

Không những vậy, các quốc gia chưa thực sự nổi bật trên bản đồ golf thế giới như Bhutan, Sri Lanka, Lào hay Campuchia cũng có đại diện tham dự. Cơ hội để các golfer trẻ đến từ các quốc gia này tham gia tranh tài tại giải đấu không chỉ là trải nghiệm tuyệt vời đối với họ, mà đây còn là cú hích lớn với Liên đoàn Golf của quốc gia đó.

ACC được thành lập góp phần thu hút cũng như khuyến khích những golfer ưu tú trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phát huy hết tiềm năng trong môn thể thao này. Xét trên nhiều khía cạnh, giải đấu ACC đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của golf không chỉ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà trên toàn thế giới.

Nguyễn Đoàn